CẬP NHẬT KIẾN THỨC VỀ COVID-19
03/03/2022

CẬP NHẬT KIẾN THỨC VỀ COVID-19

Tác giả: Huỳnh Giao, Huỳnh Hồ Ngọc Quỳnh

 

Mở đầu: COVID-19 (Coronavirus disease 2019) là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp do vi rút SARS-CoV-2 gây ra, được phát hiện đầu tiên vào tháng 12 năm 2019 tại Trung Quốc và đã được Tổ Chức Y tế Thế giới cảnh báo đại dịch COVID-19 từ tháng 3 năm 2020(1). Tại Việt Nam, trường hợp nhiễm COVID-19 được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 1 năm 2020, sau đó dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, với số trường hợp nhiễm tương đối thấp và chỉ ghi nhận 45 trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19. Tuy nhiên, từ cuối tháng 4 năm 2021, làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19 đã lan rộng nhanh chóng đến hầu hết các tỉnh thành trên cả nước. Tính đến ngày 12 tháng 12 năm 2021, tổng số trường hợp nhiễm và tử vong lên tới 1.413.051 và 27.611(2). Người mắc COVID-19 có biểu hiện bệnh đa dạng từ nhiễm không có triệu chứng, hoặc có các triệu chứng nhẹ cho tới những biểu hiện mức độ nặng như viêm phổi nặng, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) nhiễm khuẩn huyết suy chức năng đa cơ quan và tử vong(3).

Về điều trị, do đa số trường hợp người nhiễm có triệu chứng nhẹ nên chủ yếu điều trị triệu chứng, các loại thuốc kháng virus được sử dụng cho người bệnh ở mức độ vừa và nặng, và phải được chỉ định và theo dõi bởi nhân viên y tế(3).

Các biện pháp phòng bệnh(4): Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để bảo vệ bản thân và những người xung quanh, mọi người cần thực hiện các biện pháp sau: 

  • Tiêm vắc-xin ngay khi đến lượt và tuân theo hướng dẫn của địa phương về tiêm chủng.
  • Giữ khoảng cách ít nhất 1 mét với những người khác, ngay cả khi họ không có biểu hiện bệnh. 
  • Đeo khẩu trang đảm bảo che kín mũi, miệng và cằm.
  • Thường xuyên rửa tay bằng nước rửa tay có cồn hoặc xà phòng và nước.
  • Che miệng và mũi bằng khuỷu tay hoặc khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi.
  • Làm sạch và khử khuẩn các bề mặt thường xuyên, đặc biệt là những bề mặt thường xuyên chạm vào, chẳng hạn như tay nắm cửa, vòi nước và màn hình điện thoại.
  • Nếu xuất hiện các triệu chứng hoặc xét nghiệm dương tính với COVID-19, hãy thông báo với nhân viên y tế địa phương và thực hiện cách ly theo quy định.

Ngoài ra, cần phải biết đầy đủ các triệu chứng của COVID-19, bao gồm các triệu chứng thường gặp như sốt, ho khan, mệt mỏi và mất vị giác hoặc khứu giác. Bên cạnh đó, các triệu chứng ít phổ biến hơn như đau nhức, nhức đầu, đau họng, đỏ hoặc kích ứng mắt, tiêu chảy, phát ban trên da hoặc đổi màu các ngón tay hoặc ngón chân. 

Các nghiên cứu gần đây trên nhiều đối tượng gồm người bệnh, nhân viên y tế, sinh viên và giảng viên cho thấy vẫn còn tồn tại kiến thức không đúng về COVID-19 chiếm tỷ lệ khá cao từ 20-40% bao gồm kiến thức không đúng về đường lây truyền bệnh, các triệu chứng của bệnh, đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh và bệnh nặng, về điều trị cũng như các biện pháp phòng ngừa(5,6,7,8,9). Tại Việt Nam, chiến dịch tiêm vắc-xin COVID-19 được triển khai từ tháng 3 năm 2021, với 8 loại vắc-xin đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng trong điều kiện khẩn cấp bao gồm AstraZeneca, Moderna, Pfizer, Johnson và Johnson, Sinopharm BIBP, Sputnik V, Hayat-Vax COVID-19, và Abdala(2). Tất cả các loại vắc-xin đều được sử dụng miễn phí và địa điểm thuận tiện cho người dân dễ tiếp cận tiêm chủng. Tuy nhiên, sự do dự tiêm ngừa vẫn được xem là một rào cản lớn để đạt được mục tiêu tiêm chủng. Sự do dự tiêm vắc xin được xem như là sự chậm trễ hoặc từ chối chấp nhận tiêm ngừa khi đến lượt và được xếp một trong mười mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu vào năm 2019(10). Các nghiên cứu của chúng tôi trên người bệnh mạn tính, nhân viên y tế, sinh viên và cha mẹ có trẻ từ 5-17 tuổi cho thấy tỷ lệ do dự tiêm ngừa chiếm từ 22,9% đến 26,2%, trong đó các lý do chính dẫn đến sự do dự tiêm ngừa bao gồm lo lắng về sự an toàn và lo ngại về tác dụng phụ của vắc xin, mong muốn trì hoãn tiêm ngừa để theo dõi sự an toàn của vắc xin, lo ngại về sự phát triển nhanh của vắc xin, hay cho rằng có thể sử dụng biện pháp phòng ngừa để thay thế vắc xin(7,11,12,13)

Thực tế cho thấy, trẻ em mắc COVID-19 có thể ở mức độ năng và phải nhập viện, cũng như có biến chứng sức khỏe ngắn hạn và dài hạn. Trong một số trường hợp, các biến chứng do nhiễm trùng có thể dẫn đến tử vong. Trong bối cảnh đưa các hoạt động học tập, vui chơi của trẻ em trở lại cuộc sống bình thường, khả năng lây lan COVID-19 cho người khác, bao gồm ở nhà và trường học là rất cao. Việc tiêm vắc-xin sớm cho trẻ không chỉ giúp bảo vệ trẻ mà còn có thể giúp bảo vệ các thành viên trong gia đình, bao gồm các thành viên gia đình không đủ điều kiện tiêm chủng hoặc có thể có nguy cơ mắc bệnh nặng nếu họ bị nhiễm bệnh. Trước khi khuyến cáo tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em, các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng với hàng ngàn trẻ em và kết quả cho thấy không có biến cố nghiêm trọng nào được xác định, và cũng không có bằng chứng cho thấy vắc-xin COVID-19 gây ra các vấn đề về khả năng sinh sản. FDA đã cấp phép khẩn cấp vắc xin Pfizer-BioNTech COVID-19 để sử dụng ở trẻ em từ 5-15 tuổi. Các báo cáo cũng cho thấy Lợi ích của tiêm chủng lớn hơn những rủi ro đã biết và tiềm ẩn. Do đó, khuyến cáo tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên càng sớm càng tốt(14).

Tại Việt Nam, Bộ Y tế vừa có quyết định số 457/QĐ-BYT ngày 01/03/2022 phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch COVID-19. Vắc xin do công ty Pfizer Manufacturing Belgium NV (Bỉ), BioNTech Manufacturing GmbH (Đức), Pharmacia and Upjohn Company LLC (Hoa Kỳ); Hospira Incorporated (Hoa Kỳ) sản xuất. Theo quyết định này, người từ 12 tuổi trở lên được tiêm mỗi liều 0,3 ml chứa 30 mcg vắc-xin mRNA COVID-19. Liều vắc xin cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, mỗi liều 0,2 ml chứa 10 mcg(15).

Tóm lại, vắc xin ngừa COVID-19 cho thấy có hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhiễm, đặc biệt là phòng ngừa bệnh nặng và tử vong. Vắc xin đã được chứng minh an toàn và hiệu quả cho cả người lớn và trẻ em. Khuyến cáo tất cả đối tượng đủ điều kiện nên tiêm ngừa vắc-xin COVID-19 đầy đủ và đúng lịch, bên cạnh đó cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo khuyến cáo. Ngoài ra, cần cập nhật thông tin về COVID-19 từ các nguồn đáng tin cậy như WHO hoặc các cơ quan y tế địa phương và Bộ Y tế để nâng cao kiến thức và thực hành phòng ngừa bệnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. WHO (2022). WHO coronavirus (COVID-19) dashboard. https://covid19.who.int/, accessed 28/02/2022.
2. WHO (2022). COVID-19 in Viet Nam situation report 72. URL:
https://www.who.int/vietnam/internal-publications-detail/covid-19-in-viet-nam-situation-report-72, accessed 28/02/2022.
3. Bộ Y tế (2022).Quyết định về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19, URL: https://kcb.vn/cap-nhat-huong-dan-chan-doan-va-dieu-tri-covid-19-va-quan-ly-fo-tai-nha.html, truy cập ngày 28/02/2022.
4. WHO (2022). Advice for the public: Coronavirus disease (COVID-19), URL: https://www.who.int/emergencies/diseases/novel-coronavirus-2019/advice-for-public, accessed 28/02/2022.
5. Huynh, G., An, L. P., & Nguyen, V. T. (2020). Factors relating to preventive practices of health science students during the early stage of the COVID-19 pandemic. MedPharmRes, 4(4), 27-32.
6. Huynh, G., Nguyen, T. N. H., Vo, K. N., & Pham, L. A. (2020). Knowledge and attitude toward COVID-19 among healthcare workers at District 2 Hospital, Ho Chi Minh City. Asian Pacific Journal of Tropical Medicine, 13(6), 260.
7. Huynh, G., Nguyen, T. V., Nguyen, D. D., Lam, Q. M., Pham, T. N., & Nguyen, H. (2021). Knowledge About COVID-19, Beliefs and Vaccination Acceptance Against COVID-19 Among High-Risk People in Ho Chi Minh City, Vietnam. Infection and drug resistance, 14, 1773–1780. https://doi.org/10.2147/IDR.S308446
8. Le An, P., Huynh, G., Nguyen, H., Pham, B., Nguyen, T. V., Tran, T., & Tran, T. D. (2021). Knowledge, Attitude, and Practice Towards COVID-19 Among Healthcare Students in Vietnam. Infection and drug resistance, 14, 3405–3413. https://doi.org/10.2147/IDR.S328677
9. An, P. L., Huynh, G., Nguyen, H., Binh, P., Tran, T., Nguyen, T. V., Vu, H., & Tran, T. D. (2022). Assessment of COVID-19 Preventive Practice and Associated Factors Among Educators in Vietnam. Infection and drug resistance, 15, 183–192. https://doi.org/10.2147/IDR.S350045
10. WHO (2019). Ten threats to global health in 2019.https://www.who.int/news-room/spotlight/ten-threats-to-globalhealth-in-2019, accessed 17/12/2021.
11. Giao Huynh, Han Thi Ngoc Nguyen, Khanh Van Tran, Pham Le An & Tuan Diep Tran (2022) Determinants of COVID-19 vaccine hesitancy among parents in Ho Chi Minh City, Vietnam, Postgraduate Medicine, DOI: 10.1080/00325481.2022.2044142.
12. Huynh, G., Tran, T. T., Nguyen, H. T. N., & Pham, L. A. (2021). COVID-19 vaccination intention among healthcare workers in Vietnam. Asian Pacific Journal of Tropical Medicine, 14(4), 159.
13. Le An, P., Nguyen, H. T. N., Nguyen, D. D., Vo, L. Y., & Huynh, G. (2021). The intention to get a COVID-19 vaccine among the students of health science in Vietnam. Human Vaccines & Immunotherapeutics, 1-6.
14. Centre for Disease Control and Prevention, National Center for Immunization and Respiratory Diseases (NCIRD), Division of Viral Diseases (2022),   COVID-19 Vaccines for Children and Teens, https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/vaccines/recommendations/children-teens.html, accessed 01/03/2022
15. Bộ Y tế (2022). Quyết định số 457/QĐ-BYT ngày 01/03/2022 về việc sửa đổi điều 1 Quyết định số 2908/QĐ-BYT ngày 16 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch bệnh COVID-19

Tin khác

[Tin tuyển dụng] Nhân viên điều phối dự án tại HEDIMA

18/06/2024

Thông tin tuyển dụng Nhân viên điều phối dự án từ Đơn vị HEDIMA

Thông báo tuyển dụng giảng viên năm 2024

27/05/2024

Thông báo 198/TB-YTCC về việc tuyển dụng giảng viên khoa YTCC