BỆNH VIÊM GAN SIÊU VI B: MỐI NGUY HIỂM & CÁCH PHÒNG NGỪA
Tác giả: Huỳnh Giao, Huỳnh Hồ Ngọc Quỳnh
Sự nguy hiểm của bệnh viêm gan siêu vi B
Nhiễm virus viêm gan B (HBV) là vấn đề sức khỏe trên toàn Thế giới, Trong năm 2015, ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có khoảng 257 triệu người đang nhiễm viêm gan siêu vi B (VGSVB) mạn tính và 720.000 người tử vong vì các bệnh xơ gan và ung thư gan có liên quan đến nhiễm HBV (1). Việt Nam có dân số nhiễm HBV mạn tính cao với tỷ lệ 8,1% và được xếp thứ 4 (23,2%) trong số 10 quốc gia trên thế giới có tỷ lệ mới mắc ung thư gan cao có liên quan với viêm gan siêu vi B và C (2),(3). Ở trẻ em dưới 5 tuổi, đường lây truyền chính của HBV tại Việt Nam là lây truyền dọc từ mẹ sang con lúc sinh hoặc lây truyền ngang (khi tiếp xúc với máu, các vật phẩm của máu hay dịch tiết của người bị nhiễm HBV) (4), (5).
Khả năng nhiễm HBV mạn tính tùy thuộc vào tuổi bị nhiễm, nếu trẻ bị nhiễm lúc sinh (mẹ sang con) khả năng tiến triển thành VGSVB mạn tính đến 90%, nhiễm lúc 1 đến 5 tuổi khả năng này là 30% và sau 5 tuổi chỉ còn 5 đến 10% (Hình 1). Khoảng 15-25% người lớn bị nhiễm HBV mạn tính trong thời thơ ấu sẽ tử vong vì ung thư gan hoặc xơ gan có liên quan đến VGSVB (4).
Đường lây truyền
Vi rút viêm gan B tồn tại trong máu và dịch tiết cơ thể, CÓ THỂ lây truyền theo 3 đường:
- Từ mẹ sang con
- Đường máu
- Quan hệ tình dục
Và KHÔNG lây truyền qua:
- Ăn uống chung, dùng chung chén, bát, đũa.
- Ôm, hôn.
- Ho hoặc hắt hơi
- Bắt tay, muỗi đốt
- Sữa mẹ
Hiện nay, vẫn còn một số nhận thức không đúng của bà mẹ về đối tượng mắc bệnh và đường lây truyền VGSVB. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi trong năm 2016 về kiến thức bệnh VGSVB trên bà mẹ có con tiêm ngừa miễn phí và dịch vụ tại thành phố Hồ Chí Minh cho thấy rằng những người dễ mắc bệnh là: công nhân dọn vệ sinh, người uống rượu, người có sức đề kháng yếu và có đến 51,9% bà mẹ cho rằng con họ không có nguy cơ mắc bệnh VGSVB. Bên cạnh đó, còn tồn tại kiến thức không đúng về đường lây truyền bệnh như ăn uống chung, ho, hắt hơi, di truyền hoặc tắm giặt chung với người bệnh và quan trọng nhất là 53% bà mẹ không biết đường lây truyền từ mẹ sang con lúc sinh. Đây là yếu tố quan trọng góp phần làm nhiều trẻ không được tiêm ngừa đầy đủ và đúng lịch vắc xin viêm gan siêu vi B, bao gồm mũi sơ sinh để phòng lây truyền mẹ con (6), (7).
Triệu chứng của bệnh viêm gan siêu vi B
Đa số người mắc bệnh VGSVB không có triệu chứng. Vì vậy, cần xét nghiệm sàng lọc những người có nguy cơ cao và tất cả phụ nữ mang thai để phòng lây truyền sang con.
Xét nghiệm sàng lọc viêm gan siêu vi B
Không khuyến cáo làm xét nghiệm thường qui trước khi tiêm chủng ở trẻ nhỏ. Trẻ lớn và người lớn cần xét nghiệm sàng lọc để:
+ Chẩn đoán VGSVB mạn để theo dõi và điều trị.
+ Kiểm tra tình trạng miễn dịch, giúp giảm thiểu việc tiêm phòng vắc-xin không cần thiết.
Đối với những người đã mắc VGSVB mạn hoặc đã có miễn dịch bảo vệ (do tiêm phòng hoặc do mắc VGSVB trước đây) thì không cần tiêm ngừa.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh viêm gan siêu vi B
Vắc-xin đã có từ năm 1982 với hiệu lực 95% ngăn ngừa nhiễm VGSVB cấp và mạn tính. Những trẻ sơ sinh có mẹ bị VGSVB, cần kết hợp Globulin miễn dịch đặc hiệu (HBIg: Hepatitis B immune globulin) và vắc- xin để tăng hiệu quả bảo vệ lên 85-95% (4). Tại Việt Nam, vắc-xin VGSVB được sử dụng miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) từ năm 1997 cho tất cả trẻ em dưới 1 tuổi (8).
Lịch tiêm ngừa
Vì sự lây truyền chu sinh hoặc sau sinh là nguyên nhân nhiễm HBV mạn tính quan trọng trên toàn cầu, nên liều đầu tiên vắc- xin VGSVB được cho càng sớm càng tốt (trong 24 giờ đầu sau sinh), sau liều sơ sinh nên cho thêm 2 hoặc 3 liều với khoảng cách thời gian giữa các liều ít nhất 4 tuần.
Lịch tiêm ngừa VGSVB trong chương trình TCMR tại Việt Nam
Tuổi |
Sơ sinh |
2 tháng |
3 tháng |
4 tháng |
VGSVB (<24 giờ) |
BH-UV-HG-VGSVB-VMNM do Hib (5/1) |
BH-UV-HG -VGSVB- VMNM do Hib (5/1) |
BH-UV-HG -VGSVB- VMNM do Hib (5/1) |
BH-UV-HG: Bạch hầu – Uốn ván – Ho gà; VMNM: Viêm màng não mũ
Ở bất kỳ nhóm tuổi nào, nếu lịch tiêm ngừa VGSVB bị gián đoạn thì nên tiếp tục tiêm ngừa tiếp theo càng sớm càng tốt mà không cần phải tiêm lại từ đầu. Nếu lịch cơ bản bị gián đoạn sau liều thứ nhất, liều thứ hai được cho càng sớm càng tốt và liều thứ ba được cho với khoảng cách thời gian với liều thứ hai ít nhất là 4 tuần. Nếu liều thứ ba bị trễ thì vẫn tiếp tục cho càng sớm càng tốt.
Những trẻ sinh non cũng nên tiêm liều sơ sinh. Tuy nhiên, nếu cân nặng lúc sinh <2000gam thì liều sơ sinh không được tính vào lịch tiêm ngừa lần đầu và 3 liều bổ sung nên cho cùng với lịch của chương trình TCMR.
Những rào cản làm cho trẻ không được tiêm ngừa đầy đủ và đúng lịch
Nghiên cứu của chúng tôi tại TPHCM ở bà mẹ không chọn tiêm ngừa miễn phí vắc-xin VGSVB cho trẻ vì họ cho rằng: “thuốc miễn phí có tác dụng phụ, sợ trạm y tế tiêm nhầm thuốc, nhân viên y tế ở trạm không chuyên khoa”, hoặc các rào cản làm cho trẻ tiêm ngừa không đúng lịch là “sợ tác dụng phụ của thuốc tiêm ngừa hoặc đứa trẻ sinh non tháng hoặc trẻ bị bệnh vào ngày tiêm ngừa” (6), (7).
Tóm lại: Người mắc VGSVB mạn tính tại Việt Nam chủ yếu do lây truyền từ mẹ sang con lúc sinh, với 90% trẻ bị nhiễm lúc sinh có nguy cơ tiến triển thành mạn tính. Thuốc chủng ngừa giữ vai trò chính trong phòng bệnh. Do đó, tất cả trẻ em cần được tiêm ngừa VGSVB đầy đủ và đúng lịch và liều vắc xin VGSVB sơ sinh phải được tiêm cho trẻ càng sớm càng tốt (trong 24 giờ đầu sau sinh) để làm giảm tỷ lệ nhiễm HBV.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. WHO (2017). Global Hepatitis Report. Geneva: World Health Organization.URL: https://www.who.int/publications/i/item/global-hepatitis-report-2017, accessed on February 24th, 2022.
2. WHO (2019). Hepatitis B 2019. URL: http://www.wpro.who.int/vietnam/topics/hepatitis/factsheet/en/, accessed on February 24th,2022.
3. WHO (2018). Hepatitis data and statistics in the Western Pacific 2018. URL: https://www.who.int/westernpacific/health-topics/hepatitis/regional-hepatitis-data, accessed on February 24th,2022.
4. WHO (2015). Guidelines for the Prevention, Care and Treatment of Persons with Chronic Hepatitis B Infection. Geneva: World Health Organization, URL: https://www.who.int/publications/i/item/9789241549059, accessed on February 24th,2022.
5. Nguyễn Hữu Chí (2014). Các loại bệnh viêm gan siêu vi. NXB Thanh niên, Đại học Y dược TPHCM, tr.143 - 154.
6. Huynh Giao, Pham Le An, Bui Quang Vinh, Tran Thien Thuan, Nguyen Quang Vinh, Jolly PE (2019). Mothers’ Misconceptions about Hepatitis B Disease and Hepatitis B Vaccine. International Journal of TROPICAL DISEASE& Health.34(4):1-10.
7. Huynh Giao, Bui Quang Vinh, Nguyen Huynh Tam Lang, An PL (2019). Parents' Attitude About Hepatitis B Disease and Practice Of Hepatitis B Vaccination Among Children In Ho Chi Minh City, Vietnam. BioMed Research International.2019:1-7.
8. Chương trình tiêm chủng mở rộng (2022). Ích lợi và nguy cơ của tiêm vắc-xin, URL: http://tiemchungmorong.vn/vi/content/ich-loi-va-nguy-co-cua-tiem-vac-xin.html, truy cập ngày 24/2/2022.
Thông tin tuyển dụng Nhân viên điều phối dự án từ Đơn vị HEDIMA
Thông báo 198/TB-YTCC về việc tuyển dụng giảng viên khoa YTCC